Fed nâng lãi suất và tác động đến dòng tiền thế giới
Sau năm 2015 và 2016 tăng lãi suất nhỏ giọt, sang đến năm 2017 và 2018, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất mạnh tay hơn với 3 lần nâng lãi suất trong năm 2017 và 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018.
Trong buổi họp chính sách tiền tệ gần nhất, Fed đã thể hiện quan điểm mềm mỏng hơn với chính sách lãi suất đồng USD trong năm 2019, theo đó sang năm 2019 Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD 2 lần và dự kiến sẽ thêm một lần nữa vào năm 2020.
Việc Fed nâng lãi suất không khỏi tác động đến thị trường tài chính các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới cũng như ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ của hàng loạt nước mới nổi.
Các mốc quan trọng trong lộ trình điều chỉnh chính sách đồng USD của Fed trong 4 năm gần nhất - FED
Khi lãi suất tại Mỹ tăng, yếu tố này là nguyên nhân quan trọng khiến cho dòng tiền bị rút khỏi thị trường các nước mới nổi, các đồng nội tệ, thị trường chứng khoán và trái phiếu đồng nội tệ có năm sụt giảm tồi tệ nhất tính từ năm 2015.
Vào tháng 10/2018, thị trường chứng khoán các nước mới nổi rơi vào trạng thái sụt giảm trong bối cảnh giá trị của đồng USD tăng lên do Fed nâng lãi suất và chiến tranh thương mại ngày một tồi tệ hơn. Đồng tiền của hàng loạt nước bao gồm Indonesia, Nam Phi, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Brazil sụt giảm.
Trong năm nay, chỉ số đồng tiền của nhóm nước các thị trường mới nổi giảm trong khi đó chỉ số đồng USD tăng 4%. Dow Jones tăng được 5% trong khi chỉ số chứng khoán của nhóm thị trường các nước mới nổi mất đến 10% và nhiều khả năng sẽ có năm sụt giảm tồi tệ nhất trong 1 thập kỷ nếu không có gì đột biến trong những phiên giao dịch còn lại của năm 2018.
Cú sốc giảm giá trên thị trường dầu thế giới
Năm 2018, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến nhiều biến động bất thường về giá, giá dầu có lúc đạt đỉnh cao nhưng rồi sau đó sụt giảm nhanh chóng gây choáng váng cho giới đầu tư toàn cầu.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đạt mức đỉnh 76,41USD/thùng vào ngày 3/10/2018, nhưng rồi đến phiên ngày thứ Ba của tuần (18/12/2018), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI lại rớt xuống dưới mốc 50USD/thùng.
Thị trường London, giá dầu Brent từng lập đỉnh 86,29USD/thùng vào ngày 3/20/2018, đến phiên gần đây (18/12/2018), giá dầu Brent đóng cửa ở mức 59,61USD/thùng, thấp hơn ngưỡng 60USD quan trọng.
Có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới nhưng tựu trung lại có thể tóm tắt trong 4 yếu tố: Cung - cầu (bao gồm nhu cầu dầu của thế giới, nguồn cung từ OPEC và đồng minh); các sự kiện địa chính trị (nổi bật nhất phải kể đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình Iran); hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD.
Diễn biến giá dầu WTI trong 1 năm qua - Oil Price Chart
Khoảng thời gian từ đầu năm 2018 cho đến hết tháng 5/2018, giá dầu tăng cao khi mà sản lượng từ Libya và Venezuela sụt giảm mạnh, đồng thời giới đầu tư cũng lo sợ về khả năng sản lượng từ Iran sẽ giảm sâu hơn kỳ vọng nếu Mỹ thực sự cấm nước này xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới. Sau đó, áp lực tăng giá của dầu bớt đi khi mà Saudi Arabia tăng sản lượng, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt tạm thời.
Giá dầu sau đó còn nhận được thông tin Mỹ miễn trừ cho Trung Quốc và 8 nước đồng minh khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran. Nguồn cung dầu từ OPEC và đồng minh giữ ổn định ở mức cao, vì vậy, giá dầu giảm dần đều.
Dự báo gì cho triển vọng thị trường dầu năm 2018? Năm 2017, kinh tế thế giới tăng trưởng được 3,8% - tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 7 năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến tương đương và dự kiến đạt 3,9% trong năm 2019. Trong ngắn hạn, kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng ổn định nếu xét đến các yếu tố địa chính trị ổn định, thế nhưng trong dài hạn, rủi ro kinh tế toàn cầu đi xuống đang nhiều hơn.
Tác động từ việc giá dầu cao trong năm 2018 được dự báo sẽ thấy rõ nét hơn trong năm 2019, theo dự báo bi quan nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm đến 0,3%.
Hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có tác động cực kỳ lớn và ngay lập tức đến thị trường dầu toàn cầu bởi thông tin về hoạt động sản xuất này được công bố hàng tuần, trong khi đó thông tin về nguồn cung dầu từ các nước lớn khác chỉ được công bố theo tháng hoặc thậm chí không được công bố.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố hoạt động sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ vẫn tăng trưởng tốt trong năm 2019 dù sản lượng hàng ngày đã ước đạt 12 triệu thùng.
Thị trường chứng khoán thế giới: Lạc quan tột độ hay bế tắc kéo dài?
Năm 2018 chứng kiến nhiều phiên trồi sụt mạnh của thị trường chứng khoán thế giới. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhiều phiên giảm trên 500, 700 điểm, chỉ số VIX (chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán) tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chứng kiến nhiều phiên sụt giảm mạnh do chịu tác động trực tiếp từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trên thị trường Mỹ, chỉ số DAX trên thị trường Đức và chỉ số chứng khoán BSE của thị trường Ấn Độ - Google Finance
Tuy nhiên, ngôi vị thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhất năm 2018 thuộc về thị trường chứng khoán Dubai. Tính đến cuối tuần trước (ngày 14/12/2018), nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Dubai bán ròng 853 triệu dirham tương đương 232 triệu USD chứng khoán Dubai, thị trường chứng khoán Dubai sụt giảm đến 24% và như vậy ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nhiều năm, mức sụt giảm tồi tệ hơn bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới.
Các yếu tố quan trọng nhất tác động đến thị trường chứng khoán thế giới bao gồm: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và đồng minh; lộ trình Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD; yếu tố địa chính trị như khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tóm tắt lại, trong nhóm các thị trường chứng khoán lớn của thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ tính đến cuối phiên gần nhất chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 5%; chỉ số Shanghai Composite trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 0,68%; chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 1,08%; chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức mất 16,65%; chỉ số BSE Sensex của thị trường Ấn Độ tăng 7,96%; chỉ số CAC 40 của thị trường chứng khoán Pháp giảm 10,8%.
Thị trường tiền ảo thế giới đổ dốc
Tiền điện tử, tiền ảo đều là những thuật ngữ chỉ đến các loại tiền kỹ thuật số nói chung được không ít nhà đầu tư ưa chuộng trong khoảng 2 năm trở lại đây, kể cả tại Việt Nam. Tiền ảo đã tạo được hiện tượng, xu thế đầu tư sôi động tại Trung Quốc, Việt Nam và cả nhiều thị trường đã phát triển trên thế giới như Hàn Quốc hay Mỹ.
Thế nhưng nếu như thời điểm cuối năm 2017 là khoảng thời gian hoàng kim của tiền ảo thì sang đến năm 2018, tiền ảo không ngừng sụt giảm, gây ra không ít “đau thương” cho các nhà đầu tư tiền ảo. Ở Trung Quốc có thời điểm người ta đua nhau mua máy đào tiền ảo thì giờ đây, các máy đó đua nhau bị bán tháo.
Trung Quốc - nơi được mệnh danh là công xưởng chuyên đào tiền ảo của thế giới, bắt đầu xuất hiện làn sóng tháo chạy khỏi thị trường này. Nhiều nhà đầu tư đua nhau bán tháo máy móc để tháo thân khỏi thị trường này. Những chiếc máy đào Bitcoin từng có giá hàng nghìn USD giờ đây được bán như sắt vụn, tính tiền theo cân không khác gì phế liệu.
Diễn biến đồng Bitcoin trong 1 năm qua - World Coin Index
Nếu như cùng thời điểm này năm ngoái, giá Bitcoin ở gần mức 18.000USD và từng lên 20.000USD vào đầu tháng 12/2017 thì giờ đây giá Bitcoin đến cuối phiên giao dịch gần nhất (ngày 19/12) chỉ còn lại 3.920USD/Bitcoin. Sự sụt giảm thê thảm của Bitcoin kéo theo các mỏ đào tiền ảo khác trên thế giới khó khăn.
Tương lai của Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo khác trên thế giới sẽ ra sao? Hiện tại đang xuất hiện quá nhiều dự báo trái chiều về tương lai của Bitcoin. Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Bloomberg, không ít chuyên gia dự báo rằng giá Bitcoin có thể giảm xuống mức 1.500USD/Bitcoin và trở về giá trị thực của nó.
PÔNG!!