Woowa Brothers là ai?
Lại nói nới Woowa Brothers đang ấp ủ tham vọng vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2019, đây là công ty khởi nghiệp vận hành ứng dụng giao thức ăn hàng đầu của Hàn Quốc có tên Baedal Minjok. Công ty này vừa gia nhập nhóm kỳ lân thế giới khi nhận được khoản đầu tư đảm bảo trị giá 320 triệu USD vào tháng 12 năm 2018 đưa mức định giá của công ty lên hơn 1 tỷ USD.
Khoản đầu tư này đến từ những quỹ đầu tư lớn trên thế giới gồm Hillhouse Capital, Sequoia Capital có trụ sở tại Hoa Kỳ và GIC - quỹ tài sản có chủ quyền của Singapore.Trong đó Hillhouse Capital là nhà đầu tư nổi tiếng với việc đầu tư vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc bao gồm Tencent và Yahoo, Sequoia Capital là nhà đầu tư sớm vào các công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu như Google và Apple.
Woowa Brothers cho biết với các khoản đầu tư mới nhất, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn cho việc mở rộng toàn cầu và ra mắt các lĩnh vực mới như robot tự động hóa. Startup này hiện đang đầu tư vào công nghệ Trí tuệ nhân tạo và Lái xe tự động để phát triển robot giao hàng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để không chỉ mang lại giá trị lớn hơn cho cả chủ nhà hàng và người dùng, mà còn tập trung vào việc tiến lên phía trước với các hoạt động kinh doanh mới của mình", phó chủ tịch Seyoon Oh nói với truyền thông.
Woowa Brothers, được thành lập năm 2010, với mục đích phát triển các ứng dụng thú vị và hữu ích, bắt đầu với nền tảng phân phối thực phẩm Baedal Minjok. Ứng dụng giao đồ ăn khá phổ biến ở Hàn Quốc theo một báo cáo rằng 7/10 người đặt hàng thực phẩm qua các ứng dụng của startup này. Số lượng đơn đặt hàng hàng tháng của Baedal Minjok đã đạt hơn 20 triệu vào tháng 7 năm 2018, tăng từ 5 triệu vào đầu năm 2015. Ứng dụng này cũng đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người dùng hoạt động hàng tháng từ 3 triệu lên 8 triệu trong cùng kỳ.
Woowa Brothers từng nhận được hàng loạt các khoản đầu tư lớn trong quá khứ, bao gồm 57 tỷ won tương đương khoảng 50,7 triệu USD từ nhà đầu tư hiện tại Hillhouse Capital. Năm 2014, Goldman Sachs đã đầu tư 40 tỷ won tương đương 35,6 triệu USD vào công ty này.
Cùng với làn sóng khởi nghiệp và nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm cách phát triển và tăng thị phần, 4 năm trở lại đây nhóm kỳ lân như Grab, Go-Jek, WeWork, Airbnb, Traveloka, cùng những công ty cá mập như Alibaba, Tencent, Expedia cũng đã có mặt và toan tính xâm chiếm thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân.
Tại sự kiện Vakance 2018, Woowa Brothers, một công ty về vận chuyển đồ ăn được đánh giá là kỳ lân của Hàn Quốc cũng đang tìm cách đặt chân vào Việt Nam cạnh tranh cùng Now (thuộc Foody), GrabFood và GoFood (thuộc Go-Viet). "Chúng tôi đã tìm hiểu thị trường này và đang tìm đối tác. Chúng tôi sẽ có mặt ở Việt Nam trong năm 2019", Seyoon Oh, phó chủ tịch Woona Brothers cho biết. Chia sẻ trên trang Korea Tech Desk, Woowa Brothers thậm chí cho biết rõ kế hoạch ra mắt ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam vào nửa đầu năm 2019.
Không chỉ chứng kiến sự đổ bộ của nhiều kỳ lân đến từ các quốc gia trong khu vực, Việt Nam còn là điểm hút vốn khởi nghiệp khá rõ nét trong 2 năm trở lại đây. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng đại diện CyberAgent Ventures (CAV), quỹ đầu tư từ Nhật Bản nhận định trên tạp chí Forbes, việc các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản tiến vào thị trường Việt Nam đã trở thành trào lưu.
Theo chuyên gia đầu tư này, hiện nay các quỹ của Nhật Bản và Hàn Quốc không có quá nhiều cơ hội để đầu tư ở các thị trường lớn như Indonesia. Nguyên nhân là bởi số lượng nhà đầu tư quá nhiều, giá trị công ty quá cao và họ ở vị thế đi sau, còn ở Việt Nam với số tiền đó có thể dẫn đầu khoản đầu tư.
Sức mua và tính thời điểm là hai điều ông Dũng lý giải cho trào lưu đầu tư vào Việt Nam hiện nay. Nếu như trước đây các doanh nghiệp phải hướng dẫn thị trường, thì hiện nay người dùng đã quen với việc sử dụng dịch vụ trực tuyến theo yêu cầu, dẫn tới dung lượng thị trường tăng.
Ngoài ra nguyên nhân khác theo giám đốc quỹ đầu tư ESP Lê Hoàng Uyên Vy, nền kinh tế Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á tăng trưởng trung bình khoảng 3%, Nhật Bản thậm chí không tăng trưởng, thị trường Indonesia hay Malaysia định giá cao, nhà đầu tư đông, thì Việt Nam rất hấp dẫn vì tăng trưởng tốt, hơn 6% và định giá các dự án khởi nghiệp ở mức vừa phải.
Theo thống kê của Forbes, năm 2016 Việt Nam có 50 thương vụ đầu tư với mức vốn 205 triệu USD. Các thương vụ lớn trong năm này có thể kể đến như F88 (10 triệu USD từ Mekong Capital), MoMo (28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs), Tiki (17 triệu USD từ VNG), VNPT E-pay (62% cổ phần từ UTC Investment).
Năm 2017 có 92 thương vụ đầu tư với 291 triệu USD với những thương vụ lớn như Foody (64 triệu USD từ SEA Group), VnTrip (10 triệu USD từ Hendales Capital). Trong năm vừa qua, có 65 thương vụ đầu tư với tổng giá trị 428 triệu USD. Những thương vụ lớn có thể kể đến như Tiki (54 triệu USD từ JD và STIC Investment), Sendo (51 triệu USD từ SBI Group- Softbank Ventures Korea), Topica (50 triệu USD từ Northstar Group).
PÔNG!!