Từ hàng chục năm nay, Ðảng, Nhà nước đã có chủ trương cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn.
Tuy vậy, giá trị tài sản, quy mô vốn chủ sở hữu nhà nước, chất lượng lao động, nhân lực quản lý và nhiều nguồn lực quan trọng khác của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất lớn, thậm chí sẽ tiếp tục gia tăng về giá trị như thực tế đã chỉ ra trong nhiều năm qua.
Cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang nắm giữ nhiều tài sản và nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế, như hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, kho bãi, mạng truyền tải điện, mạng viễn thông, hệ thống cung cấp xăng dầu, mạng lưới các đơn vị cơ sở cung cấp tài chính, tín dụng...
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, xét trong quan hệ giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là trên 3,1 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1%, thì phần giá trị gia tăng lợi nhuận từ phần vốn nhà nước có thể tương đương 0,8% đến 0,9% GDP hàng năm.
Cũng cần lưu ý một điểm là, bản thân giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện nay có giá trị thực tế lớn hơn rất nhiều xét trên góc nhìn của các nhà đầu tư và đánh giá của thị trường chứng khoán.
Quá trình cổ phần hóa nhiều năm qua cho thấy, giá trị thực tế của phần lớn doanh nghiệp nhà nước sau khi đánh giá lại theo giá thị trường thường lớn hơn nhiều lần giá trị sổ sách báo cáo. Ðiều này có thể thấy rõ qua kết quả rất tích cực của các thương vụ bán cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh…
Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán đã chỉ ra, những doanh nghiệp áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại theo các chuẩn quốc tế đã có sự cải thiện vượt bậc cả về hiệu quả đầu tư và khả năng thu hút vốn.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao không thể áp dụng các quy định mới vào khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ðã đến lúc, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần áp dụng cơ chế quản trị và công cụ quản lý kinh doanh hiện đại nhằm giám sát chẽ, hiệu quả, nắm được thông tin tài chính hàng ngày, thậm chí hàng giờ của từng doanh nghiệp trực thuộc, để đưa ra những quyết định phù hợp, cảnh báo rủi ro kịp thời.
Áp dụng những quy chuẩn như vậy, khả năng giám sát của xã hội đối với khối tài sản khổng lồ này cũng được cải thiện, từ đó góp phần phòng tránh được những “đám cháy xa” có thể gây thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Tài sản của doanh nghiệp nhà nước là tài sản của đất nước, của nhân dân. Khối lượng tài sản quan trọng này cần phải được quản lý, sử dung có hiệu quả. Ðây chính là dư địa rất lớn, cần phải được tập trung khai thác, để có đóng góp hữu hiệu cho nền kinh tế trong bối cảnh nhiều nguồn lực khác đang dần cạn kiệt.
PÔNG!!