Trong 10 năm qua, hãng công nghệ khổng lồ Tencent của Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào 300 công ty, từ bán lẻ truyền thống co tới ôtô điện, gọi xe... trên khắp thế giới, theo số liệu từ Crunchbase. Theo CNN, các khoản đầu tư vào hàng trăm công ty từ lâu đã đặt ra câu hỏi về chiến lược của Tencent, đặc biệt là khi chúng thường nhắm vào các ngành không mấy liên quan tới mảng kinh doanh chính gồm game và mạng xã hội của hãng này. Chiến lược này thậm chí càng được soi xét nhiều hơn khi mà mảng kinh doanh game của Tencent đang lâm vào khó khăn tại Trung Quốc, khiến lợi nhuận giảm và hàng tỷ USD vốn hóa "bay hơi".
"Không có logic nào đằng sau các khoản đầu tư của Tencent. Tencent đầu tư vào mọi thứ", tác giả về công nghệ Pan Luan nói với CNN. Pan từng gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc hồi đầu năm với một bài luận được lan truyền rộng rãi: "Tencent đã đánh mất giấc mơ?". Bài viết này cho rằng thay vì sáng tạo đổi mới, Tencent chỉ đang "mua" tăng trưởng bằng việc đầu tư vào hàng loạt công ty công nghệ.
Với việc đầu tư vào nhiều công ty khác nhau, Tencent đang có chiến lược tương tự như những hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc như Alibaba, Baidu, JD.com và Ant Financial.
The CB Insight, tổng cộng, 5 công ty này đã rót vốn vào gần một nửa startup "kỳ lân" (có định giá trên 1 tỷ USD) tại Trung Quốc. Theo nhà phân tích Kitty Fok của hãng nghiên cứu IDC tại Bắc Kinh, các hãng công nghệ Trung Quốc "phải mở rộng ra ngoài mảng kinh doanh cốt lõi" để giữ được thế cạnh tranh.
Dưới đây là một số khoản đầu tư lớn của Tencent.
Trung tâm mua sắm: Wanda Commercial
Tháng 1/2018, Tencent cùng 3 công ty Trung Quốc khác đầu tư 34 tỷ Nhân dân tệ (5 tỷ USD) vào Wanda Commercial Properties - công ty vận hành trung tâm thương mại lớn nhất tại Trung Quốc. Động thái này của Tencent nằm trong xu hướng các hãng công nghệ đua nhau rót vốn vào bán lẻ truyền thống. Khi đó, Tencent đã nắm giữ 5% cổ phần tại chuỗi thực phẩm tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc Yonghui.
Khoản đầu tư của Tencent theo sau thương vụ thâu tóm chuỗi thực phẩm Whole Foods của hãng thương mại điện tử Amazon và hàng loạt vụ đầu tư vào bán lẻ truyền thống của Alibaba.
Hợp tác với các chuỗi bán lẻ cho phép các hãng công nghệ "thu thập được nhiều nhất thông tin có thể về một khác hàng, cả ngày lẫn đêm, tại bất cứ thời điểm lướt web hay mua sắm của họ", hai nhà phân tích James Root và Jonathan Chang của Bain viết trên Harvard Business Review. Hiện Tencent đã có lượng dữ liệu khổng lồ từ hơn 1 tỷ người dùng ứng dụng nhắn tin WeChat và nền tảng thanh toán điện tử WeChat Pay.
Công ty này cũng đầu tư vào một số công ty thương mại điện tử cạnh tranh với Alibaba như JD.com và gần đây hơn là Pinduoduo.
Gọi xe: GoJek
Hồi tháng 2, Tencent tham gia vào vòng gọi vốn 1,5 tỷ USD của startup gọi xe Indonesia GoJek, ngay khi thị trường gọi xe tại Đông Nam Á bắt đầu nóng lên. Tháng sau đó, Uber đã bán hoạt động kinh doanh tại khu vực này cho đối thủ Grab - startup gọi xe Singapore.
Cũng giống như Grab, GoJek cung cấp hàng loạt dịch vụ khác ngoài gọi xe như thanh toán điện tử, mua vé xem phim, đặt lịch làm đẹp...
Bản thân Tencent cũng có kinh nghiệm trong việc xây dựng một ứng dụng trở thành phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dùng. Ngoài nhắn tin, người dùng WeChat giờ đây dùng ứng dụng này để làm mọi thứ từ đặt lịch hẹn với bác sĩ cho tới thanh toán hóa đơn.
Ngoài ra, Tencent cũng là một nhà đầu tư của Didi Chuxing - startup gọi xe lớn nhất Trung Quốc từng "hất cẳng" Uber khỏi Trung Quốc vào năm 2016.
Mạng xã hội: Snap
Tháng 11 năm ngoái, Tencent thâu tóm 10% cổ phần tại Snap - công ty mẹ của mạng xã hội Snapchat. Vốn đã là nhà đầu tư sớm vào Snap, Tencent cho biết mua thêm cổ phần vì giá hấp dẫn và tin rằng công ty này có thể cải thiện sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, từ đó, các vấn đề của mạng xã hội Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng. Sau lần thay đổi giao diện gần đây, người dùng đang dần rời bỏ ứng dụng này. Cổ phiếu Snap đã mất khoảng 45% giá trị kể từ sau khoản đầu tư của Tencent tháng 11 năm ngoái.
PÔNG!!